Phân cấp sĩ quan trong các Quân đoàn Binh đoàn La Mã

Các cấp bậc sĩ quan này chủ yếu hình thành từ cuộc cải cách của Marius (104 TCN) đến cải cách của Diocletian (290).

Sĩ quan cao cấp

Hình ảnh tái hiện một Lính Lê dương vào thế kỷ thứ 3 CN
  • Công tước (Dux), hay còn gọi là thống đốc (dominus): chức vụ của thời kỳ Đế quốc sau 284 TCN, chỉ huy quân đội địa phương từ hai tỉnh trở lên. Mặc dù dux cũng có một nghĩa chỉ đến chấp chính tối cao (Consul) hay Imperator (thời Cộng hòa mang nghĩa là Người chỉ huy, thời Đế chế mang nghĩa Hoàng đế; từ tiếng Anh Emperor cũng xuất phát từ Imperator), nhưng thường được hiểu là tổng chỉ huy các quân đoàn đồn trú trong một tỉnh.
  • Quân đoàn trưởng (Legatus legionis): thường là một Nguyên lão, được Hoàng đế chuẩn thuận để nắm quyền chỉ huy trong vòng 3 - 4 năm mặc dù trên thực tế thường kéo dài hơn. Nếu trong một tỉnh chỉ có một quân đoàn, quân đoàn trưởng sẽ đồng thời giữ luôn chức thống đốc (tỉnh trưởng hay Rector provinciae) và nếu tỉnh có nhiều quân đoàn, mỗi quân đoàn sẽ có một quân đoàn trưởng chỉ huy còn Thống đốc là tổng tư lệnh.[16]
  • Quan giám quân (Tribunus laticlavius): do Viện Nguyên lão hoặc Hoàng đế bổ nhiệm. Mặc dù thường trẻ và ít kinh nghiệm hơn giám quân (tribuni angusticlavii) nhưng người giữ chức vụ này là chỉ huy phó của quân đoàn. Vì trẻ tuổi và non kinh nghiệm nên hầu như quan giám quân không thực sự đóng vai trò chỉ huy phó khi đánh trận. Tuy nhiên, nếu quân đoàn trưởng chết thì người này sẽ thay thế. Tuy không phải bắt buộc nhưng chức vụ đó thường là bước đầu tiên để sau này có thể tiến thân trong Viện Nguyên lão (xem cursus honorum)[17]
  • Đồn trưởng (prefectus castrorum): Người đứng đầu trại lính, thường là cựu binh đã từng chỉ huy đội quân (cohort) thứ nhất của quân đoàn và đã kết thúc 25 năm quân ngũ. Đồn trưởng là chỉ huy chiến trận và trên thực tế mới chính là chỉ huy phó của quân đoàn mặc dù địa vị xã hội thấp hơn Quan giám quân.
  • Giám quân (Tribuni angusticlavii): mỗi quân đoàn có 5 giám quân thuộc tầng lớp hiệp sĩ và là công dân La Mã. Họ là sĩ quan trong quân đoàn nhưng có thể chỉ huy một phân đội độc lập.[16]
  • Đại đội trưởng tiên phong (Primus pilus): Đại đội trưởng của đại đội thứ nhất thuộc đội quân thứ nhất và quan trọng nhất của quân đoàn. Đây là đại đội trưởng cao cấp nhất trong số các đại đội trưởng vì đại đội thuộc quyền đứng tiên phong trong đội hình chiến đấu đồng thời có nhiệm vụ bảo vệ biểu tượng (Aquila) của quân đoàn. Đây là chức vụ cao nhất mà một sĩ quan cấp thấp[18] có thể đạt được sau 25 năm phục vụ quân ngũ. Lương của đại đội trưởng tiên phong gấp 60 lần lương cơ bản và khi về hưu người đó sẽ được nhận tước hiệu hiệp sĩ.

Sĩ quan trung cấp

  • Đại đội trưởng tuyến đầu (Pilus prior): là 10 đại đội trưởng của đại đội tiên phong trong từng đội quân (cohort). Khi đánh trận, người này chính là chỉ huy của đội quân và các đại đội trưởng khác sẽ là chỉ huy phó. Đại đội trưởng tiên phong cũng là sĩ quan cấp này nhưng là đại đội trưởng cao cấp nhất trong số các đại đội trưởng trong toàn quân đoàn vì đội quân do người đó chỉ huy là đội quân tiên phong thiện chiến và quan trọng nhất của quân đoàn. Đại đội trưởng tuyến đầu thường do một người lính kỳ cựu được cất nhắc lên và là ứng cử viên cho chức vụ đại đội trưởng tiên phong.
  • Đại đội trưởng cao cấp (Primi ordines): năm đại đội trưởng của đội quân đầu tiên, bao gồm cả đại đội trưởng tiên phong. Họ (trừ đại đội trưởng tiên phong) có lương gấp 30 lần lương cơ bản. Đây là chức vụ cao cấp hơn trong số các đại đội trưởng chỉ dưới đại đội trưởng tiên phong và đại đội trưởng tuyến đầu.
  • Đại đội trưởng (centuriō): mỗi quân đoàn có từ 59 - 60 đại đội trưởng chỉ huy các đại đội (Centuria) thuộc 10 đội quân. Họ tạo thành xương sống của đội quân chuyên nghiệp, quản lý binh lính hàng ngày cũng như chỉ huy trên chiến trường. Đại đội trưởng được đề bạt tuần tự nhưng cũng có thể do hoàng đế hay các sĩ quan cao cấp bổ nhiệm trực tiếp. Các đội quân được xếp hạng từ 1 đến 10 và những đại đội trong từng đội quân được xếp hạng từ 1 đến 6, trừ đội quân thứ nhất chỉ có năm đại đội. Quân số của một đại đội thời đó nằm giữa trung đội và đại đội hiện đại. Thứ hạng của đội quân và đại đội trực tiếp quyết định chức vụ của đại đội trưởng, cao cấp nhất sẽ là đại đội trưởng tiên phong, chỉ huy đại đội thứ nhất của đội quân đầu tiên và thấp nhất là đại đội trưởng chỉ huy đại đội thứ sáu thuộc đội quân thứ mười. Đại đội trưởng có mức lương gấp 10 lần lương cơ bản.
  • Đại đội phó (Optio): mỗi đại đội trưởng có một cấp phó do anh ta lựa chọn trong đại đội của mình và chức vụ đó được trả lương gấp đôi mức lương cơ bản.

Sĩ quan cấp thấp

  • Thập trưởng (Decurion): chỉ huy một nhóm (contubernium) bộ binh trong đại đội hoặc một nhóm kỵ binh. Nhóm quân này có thể có khoảng 10 - 30 người.
  • Thập đội phó (Duplicarius): sĩ quan chỉ huy phó của đơn vị kỵ binh nhỏ nhất trong quân đội La Mã cổ đại có lương cao gấp 2 lần lương cơ bản. Mặc dù gọi là "thập đội" nhưng đơn vị kỵ binh này trong giai đoạn Đế quốc La Mã có khoảng 30 kỵ binh.
  • Sĩ quan bảo vệ (Tesserarius): mỗi đại đội có một người, chịu trách nhiệm đảm bảo an toàn cho đại đội và được trả lương gấp 1,5 lần lương cơ bản.
  • Tiểu đội trưởng (Decanus): chỉ huy một nhóm 8 binh lính cùng ở chung trong một lều.

Những binh lính có vị trí đặc biệt

  • Aquilifer (Lính mang biểu tượng): chỉ có một vị trí trong mỗi quân đoàn. Đây là người có nhiệm vụ giữ con Đại bàng Aquila - biểu tượng của quân đoàn. Vì con Đại bàng Aquila có ý nghĩa danh dự và không gì ô nhục bằng đánh mất biểu tượng đó kể cả thua trận, nên đây là vị trí vô cùng quan trọng và có uy tín trong quân. Vị trí hày phải do một người lính kỳ cựu thấu hiểu chiến thuật của cả quân đoàn nắm giữ. Người lính này được trả gấp 2 lần lương cơ bản.
  • Signifer (Lính cầm cờ lệnh): mỗi đại đội có một người, chuyên lo phát lương, giữ tiền cho đại đội đồng thời là người nắm giữ cờ lệnh (centurial signum), một cây gậy được trang trí với huy chương lớn và trên đỉnh thường có một cánh tay lớn mở ra tương trưng cho lời thề trung thành của người lính. Biểu tượng này như một ngọn cờ mà cả đại đội tập hợp chung quanh. Người đó còn có thể giữ cả discentes signiferorum, một ngọn cờ dùng trong huấn luyện. Lương gấp hai lần lương cơ bản.
  • Cornicen (Lính thổi tù và lệnh): thường đứng bên cạnh lính giữ cờ lệnh để hướng sự chú ý của binh lính vào cờ lệnh và truyền miệng mệnh lệnh của sĩ quan chỉ huy.
  • Imaginifer (Lính mang hình hoàng đế): mang hình Hoàng đế nhằm nhắc nhở lòng trung thành của binh lính dành cho đấng trị vì.
  • Những binh lính có vị trí đặc biệt trong một Quân đoàn La Mã
  • Lính thổi tù và lệnh (Cornicen)
  • Một cây gậy centutial signum có vai trò giống như cờ lệnh.
  • Một sĩ quan vexillifer đang cầm một sugnum. Trên sugnum là dòng chữ COH III PR có nghĩa là: Praetorian cohors III và con Bò cạp biểu tượng cho nhóm quân này.
  • Một sĩ quan Imaginifer. Chú ý cái đầu trên cây gậy đó chính là imago hay hình ảnh của Hoàng đế.

Liên quan

Binh chủng Pháo binh, Quân đội nhân dân Việt Nam Binh chủng Đặc công, Quân đội nhân dân Việt Nam Binh đoàn La Mã Binh chủng Tăng – Thiết giáp, Quân đội nhân dân Việt Nam Binh đoàn Lê dương Pháp Binh pháp Tôn Tử Binh chủng Công binh, Quân đội nhân dân Việt Nam Binh chủng Nhảy dù Việt Nam Cộng hòa Binh chủng Hóa học, Quân đội nhân dân Việt Nam Binh chủng Hải quân Đánh bộ, Quân đội nhân dân Việt Nam